22 thg 5, 2015

Ý nghĩa biểu tượng dòng Drikung Kagyu!

Ngoại nghĩa:
   Thái dương và Thái âm biểu tượng cho Dagpo Rinpoche (tổ Gampopa - LND) và Réchungpa (được biết đến là tiền thân của Garchen Rinpoche - LND).
Hai ngài là hai vị đệ tử được ví như Nhật Nguyệt của Đại Thánh Sư Milarepa - vương miện của dòng truyền thừa Thực hành xứ Tuyết. Điều đó tượng trưng cho sức gia hộ của chư vị Đạo sư như Nhật Nguyệt của dòng Kagyupa. Chủng tự Hung ở giữa tượng trưng cho ấn tín của bộ tộc Drikung Kyura. Người ta thường cho rằng cái ấn có chủng tự Hồng này nằm ở trong khối tài sản mà Kyura Namchen Karpo, tổ tiên của tộc Kyura, đã mang xuống trần gian khi ngài bị các vị Thiên vương trích giáng. Cho đến ngày hôm nay, ấn tín này vẫn nằm trong các công trình tôn giáo của dòng Drikung Kagyu, dưới dạng Hồng tự - ấn tín chính thức của dòng truyền thừa. Nó được thiết kế dựa trên câu chuyện vừa kể.
Nội nghĩa:
   Mặt trăng màu trắng tượng trưng cho tinh tuỷ của Đức Hộ Pháp của dòng truyền thừa, Achi Chokyi Drolma (Phạn ngữ: Dharmatara). Chữ Hồng màu xanh tượng trưng cho Đại Hắc Thiên (Đấng Bát nhã chủ). Mặt trời màu đỏ tượng trưng cho Hộ pháp Tseringma (một trong ngũ trường thọ nữ của đạo Bon). Cả ba phần này đều tượng trưng rằng Achi, Đại Hắc và Hộ pháp bảo hộ giáo pháp Phật đà và che chở hết thảy chúng hữu tình thoát khỏi tai nạn và chướng ngại.
Mật nghĩa:
   Trên toà nguyệt luân Bồ đề tâm, Hồng tự màu xanh tượng trưng cho tinh tuỷ của Thắng Lạc Kim Cương - tính sáng của phương tiện thiện xảo. Mặt trời màu đỏ tượng trưng tinh tuỷ của Kim Cương Du Già Mẫu - tính không của trí tuệ. Từ đó, cha và mẹ hợp nhất thành tinh tuỷ của đàn trường Cát Tường Thắng Lạc.
Vô thượng nghĩa:
   Hồng tự màu xanh tượng trưng cho ý chư Phật ba thời mà tinh tuỷ chính là Kim Cương Tổng Trì. Nó mang bản tính của hư không, xanh, rõ ràng, vô ngại, rỗng rang và quang minh. Đó chính là tinh tuỷ Pháp thân, bản thể của chân như, vượt lên trên ngôn ngữ, tư duy và biểu đạt. Vòng tròn (ở trên chủng tự) biểu trưng cho Đức A Súc Bệ Như Lai và Pháp giới thể tính trí. Vành trăng khuyết tượng trưng cho Đại Nhật Như Lai và Đại viên kính trí. Phần trên biểu trưng cho Bảo Sinh Như Lai và Bình đẳng tính trí. Chữ H tượng trưng cho A Di Đà Như Lai và Diệu quan sát trí. Phần tượng trưng âm dài (các nguyên âm đọc dài gấp đôi trong tiếng Phạn - LND) và phần tượng trưng cho chữ U (trong tiếng Phạn, khi muốn thêm một nguyên âm vào một phụ âm, người ta không viết cả nguyên âm như tiếng Việt và chỉ đánh một nét đặc trưng - LND) tượng trưng cho Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai và Thành sở tác trí. Vậy nên chữ Hồng tượng trưng cho ngũ bộ Phật.
Ngũ trí Như Lai Phật 
Dưới dạng một chữ Hồng
Nhờ uy lực hợp nhất
Của sinh khởi, toàn thiện
Nguyện liền chứng Kim Cương Trì.
   Đức Thắng giả Drikung Kyabgon Che-tsang Kon-chog Ten-zin Kun-zang Thin-ley Lhun-drub viết ngày 15 tháng Một năm 1981 tại tu viện Yungdrung Tharapa xứ Ladakh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét