22 thg 5, 2015

Lūipa - Đại sư Du già ăn lòng cá thối!

(Vị Thánh đầu tiên trong số 84 Đại thành tựu giả Đại thủ ấn)

Như chó dại dính mật ong nơi mũi
Cuồng điên tìm vị ngọt khắp nơi nơi
Hãy tiết lộ bí mật của một Đạo sư
Cho kẻ dại khờ kia hiểu rõ
Với một con người nhạy cảm
Ngộ được chân lí vô sinh
Tia nhìn thoáng qua của một Đạo sư
Là tia chớp thanh tịnh
Soi sáng và huỷ diệt ảo ảnh
Như con voi đốn ngã quân thù
Bằng chiếc vòi tựa gươm đao
Truyền thuyết
   Thuở nọ, tại đảo quốc Tích Lan (Śrī Laṃkā), sau khi quốc vương băng hà, theo truyền thống, thái tử thứ nhất sẽ kế vị vua cha. Nhưng các quan thiên văn xét thấy rằng muốn đất nước được an bình thì cần phải trao ngôi báu cho người con thứ. Vì vậy, vị hoàng tử trẻ tuổi nghiễm nhiên thành người trị vì cả vương quốc Tích Lan.
   Mặc dù sống trong cảnh lộng lẫy xa hoa, được cung phụng đầy đủ các món ngon vật lạ, nhưng vị vua trẻ vẫn cảm thấy chán chường quyền lực và sự giàu sang. Bởi xét cho cùng thì nhà vua chẳng được gì thêm ngoài hai thứ ấy! Và niềm khao khát duy nhất của ngài là thoát khỏi cảnh ràng buộc này.
   Rủi thay, trong lần đầu bỏ trốn, nhà vua trẻ bị bắt lại và bị xiềng chặt vào chiếc ngai bằng một sợi xích vàng. Sau đó, nhờ đút lót cho lính canh, nhà vua lại thoát ra khỏi hoàng cung cùng một người hầu.
   Ngài đã tưởng thưởng một cách hào phóng cho người hầu cận trung thành trước khi rời bỏ Tích Lan để tìm đến Rāmeśvaram, nơi đức vua Rāmā đang trị vì. Tại đây, ngài đã đổi chiếc vương miện bằng vàng để lấy một da dê và bộ vương phục quý giá để lấy một bộ quần áo rách nát. Kể từ đó, ngài trở thành một đạo sĩ du phương.
   Vị đạo sĩ vốn là cựu vương này thân tướng oai nghiêm đẹp đẽ nên không mấy khó khăn trong việc khất thực độ thân.
   Du hành khắp xứ Ấn Độ, cho đến một hôm tình cờ ngài đặt chân đến vùng Phật tích Vajrāsana, nơi xưa kia thái tử Siddhārtha tu thành chánh quả. Tại đây, ngài được gặp các nữ Du già hành giả (ḍākinī) truyền cho tâm pháp.
   Rời Vajrāsana, ngài đi đến Pāṭaliputra (thành Hoa Thị), kinh đô của nhà vua nằm ven bờ sông Hằng. Ban ngày ngài đi khất thực, đêm về nghỉ ngơi nơi mộ địa.
   Một bữa nọ, trong khi đi khất thực ngài tình cờ dừng chân trước ngưỡng cửa của một thanh lâu. Chính nghiệp lực của ngài đã dun rủi đưa đến sự kì ngộ này.
   Một cô kĩ nữ lầu xanh mà trong tiền kiếp từng là một ḍākinī chăm chú nhìn vị đạo sĩ một hồi lâu rồi thốt lên rằng: “Các căn của ông quả là khá thanh tịnh, chỉ hiềm một nỗi tính kiêu mạn vi tế về dòng dõi hoàng tộc vẫn còn phảng phất trong ông.”
   Nói xong, cô đổ một ít cháo ôi thiu vào bình bát của ngài.
   Đi được một quãng, vị đạo sĩ trút thứ cháo lỏng bỏng đã hôi thối không còn ăn được nữa xuống một rãnh nước ở ven đường. Cô gái nhìn theo thấy vậy bèn quát lên một cách giận dữ: “Làm thế nào ông có thể đạt đến Niết bàn khi tâm ông còn phân biệt sự dơ sạch của thức ăn?”
   Nghe lời trách mắng như thế, vị đạo sĩ cảm thấy xấu hổ và chợt nhận ra rằng ngài chưa hoàn toàn dứt trừ hết các phiền não trong tâm. Và ngài nhận thức được rằng tâm suy lường phân biệt là trở ngại chính khiến ngài khó đạt tới Phật tính.
   Ngài liền đi về phía sông Hằng, liên tục thiền quán ròng rã suốt mười hai năm để diệt vọng niệm phân biệt và các kiến chấp.
   Hằng ngày, ngài đi quanh bờ biển lượm các ruột cá mà ngư dân vứt bỏ rải rác. Pháp tu của ngài là vận tâm quán tưởng thứ ruột cá tanh hôi đến tởm lợm ấy trở thành một loại tiên dược thanh khiết. Ngài quán chiếu các pháp thế gian là duyên hợp, bản chất của chúng chỉ là một sự rỗng không.
   Bởi hạnh tu ấy, nhân dân quanh vùng gọi ngài là Lūipa, có nghĩa là “người ăn ruột cá”.
   Sau mười hai năm tinh cần tu luyện, ngài Lūipa đã chứng đắc thần thông và giác ngộ. Ngài trở thành một vị Guru nổi tiếng, và trong các truyền thuyết về Dārikapa và Dengipa cũng có nhắc đến ngài.
Hành trì
   Truyền thuyết về ngài Lūipa đã khôi phục lại một số sự kiện trùng lắp gần giống như trường hợp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lūipa là một vị vua từ bỏ ngai vàng và các thú vui ngũ dục để đi tìm sự giác ngộ, và ngài cũng đã ra đi trong một đêm tối cùng với một người hầu, để rồi sau đó trở thành một tu sĩ. Cả hai đều đánh đổi vương miện và hoàng bào để lấy một bộ y phục tồi tàn của dân nghèo. Điều ấy nói lên quyết tâm từ bỏ địa vị cao sang để đi tìm chân lí giải thoát.
   Có điều là Lūipa đã sinh ra vào thời kì Phật không còn tại thế. Do đó ngài không gặp Phật để được người trực tiếp trao truyền giới luật và được hướng dẫn các pháp tu đơn giản nhưng có hiệu quả lớn.
Để có thể đoạn trừ tạp nhiễm vi tế, vị Kim cương Thánh nữ đã đưa ra phương pháp giải trừ các kiến chấp phân biệt trong tâm của Lūipa, vì đó là nguyên nhân đưa hành giả trở lại sáu nẻo luân hồi. Tuy nhiên, muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi trong hiện kiếp cần phải có pháp môn thù thắng khế hợp với căn cơ của hành giả.
   Lūipa được xem là bậc thầy của Tantra mẹ, nhưng khai ngộ cho ngài lại là một kĩ nữ mà trong tiền kiếp vốn là một nữ Du già hành giả.
   Vị ḍākinī đã thấu suốt được tâm kiêu mạn vi tế về dòng dõi, chủng tộc, đẳng cấp còn đọng lại trong tâm của Lūipa, nên qua cách cúng dường cháo thiu bà đã gián tiếp chỉ cho ngài pháp môn đối trị: Pháp môn dùng thức ăn bất tịnh.
   Để đạt tới tâm siêu xuất, cần nuôi dưỡng và kết thân với cái mà ta căm ghét nhất. Cách tu tập này hình thành tâm bất nhị, không phân biệt, bởi vì phải biến mọi kiêu hãnh, phân biệt, định kiến thành những hạnh lành, giống như ngài Lūipa biến ruột cá tanh hôi thành tiên dược.
   Nếu hành giả không lãnh hội được chân tính rỗng không thường hằng trong từng xúc niệm liền lập tức rơi vào đối đãi phân biệt, mà cảnh giới nhị phân là cảnh giới của sáu nẻo luân hồi.
   Để đạt tới cảnh giới Niết bàn bất nhị, cần phải đạt được tâm bất nhị. Bởi nhờ nơi tâm bất nhị mà hành giả có thể nhận rõ được mùi vị chung của tất cả các pháp. Mùi vị ấy là mùi vị giải thoát thanh tịnh.
   Xem xét pháp tu của ngài Lūipa, ta sẽ thấy được rõ hơn nếu hiểu được cá biểu trưng cho điều gì trong xã hội của thời ấy.
   Trước hết, cá cũng là một chúng sinh hữu tình. Đối với đạo Bà la môn, ăn cá đồng nghĩa với sự chối đạo vì ruột cá là thức ăn chỉ dành cho chó mà thôi. Và trong Vật tổ giáo (Totem), chó là giống thấp hèn nhất.
   Thực hành một pháp tu như vậy vào thời ấy, Lūipa trở thành một hạng người dơ bẩn, hạ tiện, không ai có thể đến gần hay tiếp xúc. Ăn ruột cá là một cách tự sỉ nhục mình nhằm xoá bỏ tất cả những vết tích về dòng dõi, sự giàu sang và các đặc quyền trước kia trong sâu thẳm của hiện hữu kiêu mạn vi tế núp mình trong đó, cái mà hành giả Lūipa cần phát hiện.
   Mặc dù pháp môn tu tập của ngài Lūipa không được mô tả đầy đủ ở đây nhưng ta thấy rằng định lực của ngài đã biến chuyển được thế giới riêng của ngài. Lūipa là chủ tể của cái thế giới mà ngài kiến lập.
Sử liệu
   Truyền thuyết vừa kể là căn cứ duy nhất xác định ngài Lūipa đã sinh ra ở Tích Lan, và như vậy lẽ ra các văn bản của Siṃhaladvīpa nhất định phải có đề cập đến. Nhưng vào thời ấy có nhiều vương quốc nằm trên vùng tiểu lục địa gọi là Siṃhaladvīpa, trong đó có một vương quốc giáp ranh với Oḍḍiyāna mà nhiều nguồn tư liệu khác cho là nơi ngài Lūipa đã sinh ra.
   Trong một tài liệu khác do học giả Buston chép lại, Lūipa là con của đức vua Lalitacandracủa xứ Oḍḍiyāna. Khi còn là một thái tử, ngài Lūipa có cơ duyên gặp được đạo sư Śavaripa, vốn là đệ tử của ngài Saraha. Đạo sư Śavaripa truyền tâm ấn cho ngài Lūipa trong một buổi lễ trà tì. Sau khi được truyền tâm ấn, Lūipa rời Oḍḍiyāna và thực hành hạnh đầu đà. Cuối cùng ngài đến bờ sông Hằng, suốt ngày thiền định bên cạnh một đống ruột cá thối. Ngài trụ tâm vào một điểm duy nhất (sustained one pointed meditation) cho đến lúc đắc pháp.
   Hai nhân vật nổi tiếng khác là Dārikapa và Ḍeṅgipa đã mô tả ngài Lūipa như một đại sư vô uý, vô ngại, và là sơ tổ của pháp môn Tantra Ấn Độ. Theo hai vị sư học giả này, ngài Lūipa vốn là quan văn ở kinh đô Māharāja, xứ Bharendra, dưới triều vua Dharmapāla. Thuyết này nói rằng khi đạo sư Śavaripa du hoá tại kinh đô Māharāja, ngài nhận ra Lūipa là người hội đủ điều kiện lãnh hội huyền môn của ngài nên ngài đã truyền pháp Kim cương Maṇḍala cho Lūipa.
   Theo chứng cứ lịch sử, ngài Lūipa sinh cùng thời với Hoàng đế Dharmapāla (770-810) Nếu ngài Lūipa thụ pháp vào cuối thế kỉ VIII hoặc vào đầu thế kỉ IX, ta có thể ước tính niên hiệu của các đạo sư khác như Dārikapa, Ḍeṅgipa, Ḍoṃbi Heruka vì họ đều là môn đồ của Lūipa.
   Nhưng nếu ngài Lūipa sinh vào thế kỉ VIII thì không thể đồng thời với Mīnapa và Macchendrannāth, mặc dù có những sự kiện trùng lặp, chẳng hạn như tên của các vị ấy theo Phạn ngữ đều có nghĩa là “cá”. Cả hai vị đều thuộc hệ phái Yoginī Tantra (Lūipa thuộc chi phái Saṃvara, ngài Mīnapa thuộc chi phái Yoginī Kāṇḍa).
   Thật ra Mīnapa xuất thân từ phái Naith Śaiva (thờ thần Śiva) và đạt danh hiệu adiguru (tiên sư), còn ngài Lūipa không liên quan gì đến giáo phái Hindu mặc dù môn thiền quán của ngài có đặc tính của phái Śākta (Đại mẫu).
   Sở dĩ tên tuổi của ngài Lūipa được đưa vào đầu danh sách của tám mươi tư vị đại sư Đại thủ ấn vì tác giả cho rằng ngài Lūipa chính là vị pháp sư đầu tiên của phái Đại thủ ấn.
   Vị thứ hai đứng vào vị trí này là Saraha. Theo tuổi tác thì Lūipa sinh ra sau Saraha. Mặt khác, xét theo địa vị và pháp lực, uy danh của Saraha rất lừng lẫy trong lãnh vực văn chương, nhưng tên ngài Lūipa lại gợi lên ý nghĩa đại trí lực. Chính đại trí lực ấy tạo cho ngài sức thần thông quán chúng.
   Cả Saraha và Lūipa đều xuất thân từ phái Saṃvara Tantra, nhưng chính Lūipa được nhận danh hiệu Guhyapati, tức là Bí mật Pháp sư, đưa ngài vào địa vị của một adiguru trong hệ phái Saṃvara Tantra. Môn đồ của dòng tu này đều tu tập theo phương pháp của Lūipa. Hơn nữa, Lūipa được Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravarahi) trực tiếp khai ngộ.
   Nếu ngài Lūipa nhận được sự thiên khải có nguồn gốc từ Saṃvara Tantra tại Oḍḍiyāna, vốn là vùng đất sản sinh ra nhiều chi phái Tantra thuộc Tantra Mẹ, thì chính ngài có nhiệm vụ hoằng dương pháp môn này ở vùng Đông Ấn.
   Cho dù nguồn gốc của chi phái Tantra này như thế nào thì Lūipa cũng vẫn là biểu tượng của điều mà ngài Sahara tôn thờ. Điều này đã được khẳng định trong các bài đạo ca do Sahara trước tác.
   Chính phương pháp tu tập của ngài Lūipa đã trở thành nguồn cảm hứng và khuôn mẫu tu tập cho những đạo sư lẫy lừng khác như Kambala, Ghaṇṭāpa, Indrabhti, Jālandhara, Kṛṣṇācarya, Tilopa và Nāropa. Tất cả các vị đạo sư này đều thụ trì pháp môn của Lūipa, và Marpa Dopa đã truyền dòng Tantra này vào Tây Tạng mà phái Kagyu vẫn còn gìn giữ tu tập cho đến ngày nay.
   Mặc dù Lūipa theo Tạng ngữ nghĩa là “người ăn ruột cá” (nya ito zhabs), nhưng có lẽ từ này có nguồn gốc từ chữ lohita trong tiếng Bengal cổ, là tên của một loài cá. Và vì thế Lūipa cũng đồng nghĩa với các từ như Mīnapa và Macchendrannāth. Ngoài ra, tên gọi này còn có nhiều dạng khác nữa như là Luhipa, Lohipa, Luyipa, Loyipa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét