22 thg 5, 2015

Phowa - Garchen Rinpoche!

Ngày III – Thời khoá 2
Thiện nghiệp thân, khẩu, ý

   Những Pháp hữu của tôi, sáng nay thầy sẽ giảng cho các con về tích tập công đức và tịnh hoá ác nghiệp. Trang 3 (Giáo huấn về chuyển di tâm thức – Nguyện Bồ đề tâm) có nói: Con làm các thiện hạnh thân, khẩu, ý.” Đây là phương tiện tích tập công đức và tịnh hoá ác nghiệp cùng chướng ngại. Như những gì trong buổi lễ quy y, tất cả những giáo pháp của Phật có thể thâu tóm lại trong bốn câu kệ:
Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
   Câu thiện hạnh và ác hạnh cũng xuất hiện ở bài nguyện trang 3. “Nguyện thân khẩu ý luôn làm các thiện hạnh cho đến khi chết.” Một thiện hạnh là hạnh đưa ta đến Bồ đề tâm. Một thiện tâm, tâm từ bi là thiện hạnh ban đầu. Với tâm này, khi chúng ta thực hành Lục Ba la mật, tức cội nguồn của lợi lạc, chúng ta có thể đạt được một cõi cao trong luân hồi trong một thời gian nhất định. Đây là thiện hạnh căn bản. Cuối cùng, ta sẽ đạt giác ngộ, tức là thiện hạnh cuối cùng.
   Tất cả các thiện hạnh đều để trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Khi trưởng dưỡng Bồ đề tâm, ta có thể chấm dứt luân hồi, hay chính là chấp ngã. Làm các thiện hạnh có nghĩa là làm bất cứ điều gì với đại nguyện làm lợi lạc chúng sinh. Người ta cho rằng Đức Phật đã phải tích tập thiện nghiệp trong vòng ba kiếp. Ngài tu lục Ba la mật để tích tập công đức. Nhờ những đại hạnh này, thực ra Đức Phật tích tập chính tâm từ bi dành cho tất cả chúng sinh.
   Đức Phật đã thấu hiểu rằng từ bi chính là nhân của hạnh phúc. Vậy nên, với tâm đại bi ngài thuyết rằng: “Nguyện tất cả chúng hữu tình được lạc và nhân lạc.” Nhân của lạc chính là tâm từ bi. Tương tự thế, Đức Phật đã kết luận rằng gốc rễ của mọi phiền não là chấp ngã. Vậy nên Đức Phật đã thuyết rằng: “Nguyện tất cả chúng hữu tình lìa khổ và nhân khổ.” Nhân của mọi khổ não là ngã chấp. Vậy nên tích tập công đức nghĩa là trưởng dưỡng ý thức về tâm từ bi càng ngày càng sâu hơn. Từ bỏ chướng ngại tức là được giải thoát khỏi ngã chấp.
   Hành các thiện hạnh thân, khẩu, ý nghĩa là chúng ta từ bỏ thập ác hạnh bởi ta có tâm từ bi dành cho tất cả chúng hữu tình. Trong mười ác hạnh, ba hạnh đầu thuộc về thân. Đó là sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Bốn hạnh về khẩu là nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡng thiệt và nói thêu dệt. Cuối cùng là ác hạnh của ý. Đó là tham lam, sân hận và ngu si. Từ bỏ thập ác hạnh là làm thiện hạnh bằng cả thân, khẩu, ý, ví dụ như làm ngược lại thập ác hạnh đó.
   Chúng ta nên cố gắng từ bỏ mười ác hạnh này. Nếu không, chúng ta nên cố gắng từ bỏ năm, bốn trên mười hoặc bao nhiêu mà ta làm được. Có thể tiếp tục trì giữ thật nghiêm cẩn giới này cho đến lúc cuối đời. Đây là ý nghĩa của điều này. Nếu không thể đến tận lúc chết, có thể trì giới một năm, một tháng hoặc ít nhất một ngày – từ bây giờ tới ngày mai. Ví dụ, các con nhận giới nguyện trong thời gian nhập thất một ngày và cố gắng luôn trì giữ chúng. Thiện hạnh này các con nên hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều giác ngộ. Không thể chỉ dành cho lợi lạc của một người ít ỏi nào đó trong cuộc đời này. Nếu chỉ làm mãn nguyện một số mục đích trong đời này thôi thì ý nguyện đó thật nhỏ hẹp.
   Vậy nên đối lập với mười ác hạnh chính là mười thiện hạnh. Ví dụ, bảo vệ chúng sinh ngược lại với sát sinh, bố thí ngược với trộm cắp, sống một cuộc đời đạo hạnh đối ngược với tà dâm. Một cuộc đời đạo hạnh nghĩa là một cuộc đời đã được giải thoát khỏi các tà niệm và tà nguyện. Tà dâm là ác nghiệp rất nặng nề, thế nên nó ngược lại với Phạm hạnh. Đây là ba thiện hạnh thuộc về khẩu.
   Các con nên cố gắng nói thật – tức là ngược lại với nói dối. Nhưng các con cần phải khéo léo một chút. Đôi khi nói thật không đúng lúc có thể là một nhân dẫn đến sự li tán, nguyên nhân mâu thuẫn giữa mọi người. Trong trường hợp này các con phải rất khéo léo. Đôi khi nói dối có thể giúp đỡ người khác. Trong trường hợp này, nói dối có thể chấp nhận được. Vậy nên có nhiều tình huống khác nhau. Lưỡng thiệt cũng rất xấu. Đó là một ác nghiệp nặng nề. Ngược với nó, chúng ta không nên lưỡng thiệt. Chúng ta nên cố gắng giúp mọi người sống hoà hợp với nhau. Khi nghĩ tới ác khẩu, chúng ta nên nói lời ái ngữ – đối ngược với ác khẩu. Và ngược với thêu dệt là hãy nói lời có ý nghĩa, nói có uy lực và chân thật. Đó là bốn thiện hạnh về khẩu.
   Ba ác hạnh về ý là tham chấp, sân hận và ngu si. Tham lam là bám chấp, ý làm hại là sân hận và tà kiến là ngu si. Vậy nên từ bỏ những ác hạnh đó chính là ba thiện hạnh về ý. Khi các con nhìn thấy tài sản của ai đó, các con muốn nó là của mình, các con say đắm tài sản của người. Cảm xúc này chính là tham lam và đó là một nhân khiến công đức sụt giảm. Người ta có tiền bạc và nhiều thứ khác, đó là công đức của họ. Nếu chúng ta tham lam chúng, công đức của chúng ta sẽ bị giảm thiểu. Ý làm hại đương nhiên là sân, và tà kiến là quan kiến không tin vào luật nhân quả. Nếu có người quan niệm rằng không có luật nhân quả, chẳng có ác hạnh hay tà niệm nào nặng hơn như thế. Một tà kiến như vậy có thể làm hại chính người đó và là nhân của tất cả các nghiệp làm hại mà ta làm đối với người khác.
   Khenpo: Lần dịch trước, tôi quên mất một thứ. Rinpoche cũng giảng về cách để từ bỏ sân hận, tham lam… Trong “Ba bảy hạnh Phật tử” đã giải thích rất rõ ràng. Các bạn có thể tham khảo trong đó. Phân biệt giữa thiện và ác cũng cần thiết lắm.
   Luật nhân quả
   Nhị đế - chân và tục – đã nói về vạn pháp trong cõi thế gian và xuất thế gian. Trên quan kiến tục đế, vạn pháp tồn tại với nhân và quả. Ví dụ, trên thế giới này, có nhiều niềm vui và nỗi buồn. Bây giờ chúng ta có thể thấy chúng như nhìn vào trong lòng bàn tay mình. Ở những nơi khác trên thế giới, có nhiều người phải chịu đau khổ và ở nơi khác lại có người đang tận hưởng cuộc sống. Nghiệp đã tạo ra sai khác như vậy.
   Con hành các thiện hạnh hay ác hạnh thì quả của những hạnh này sẽ được trả theo bốn cách khác nhau. Thứ nhất là quả nảy nở. Sân hận là một ví dụ. Nếu các con sân hận, quả nảy nở của nó sẽ là đoạ sinh địa ngục. Quả thứ hai được gọi là quả liên quan tới nhân. Bởi tập khí và hạnh sân hận, ngay cả nếu con được tái sinh vào cõi người, các con sẽ thấy hoan hỉ khi sân hận. Các con có tự nhiên vậy là do sân hận đã trở thành bản năng. Quả thứ ba gọi là quả có sức mạnh. Vì sân hận, các con tái sinh ở một nơi có nhiều xung đột và chiến tranh. Vậy nên chẳng có cách nào khác ngoài việc các con bị tái sinh do nghiệp lực xô đẩy. Quả thứ tư gọi là nghiệp quả của cá nhân – như ai tạo nghiệp người đó sẽ chịu quả. Các thiện nghiệp cũng có bốn loại quả tương tự.
   Bất cứ khi nào chúng ta trải qua đau khổ, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là quả của nghiệp. Thế thì khổ đau và tổn hại sẽ giảm đi một nửa. Nếu các con nhìn vào trạng thái này, các con sẽ thấy được những nghiệp này đến từ nhân phiền não, và phiền não ở trong tâm. Sau đó, các con sẽ hiểu được rằng mọi khổ đau trong quá khứ đều đến từ phiền não, và mọi khổ đau trong tương lai cũng sẽ đến từ phiền não. Nếu các con quán tâm được như vậy, từ bỏ phiền não sẽ đem lại rất nhiều lợi lạc.
   Thầy có điều muốn nói với các con từ tận đáy lòng. Thầy không phải một người uyên bác, thầy cũng không thuộc loại người quá thông thái để dạy các con. Nhưng thầy có một vài trải nghiệm về khổ và lạc, điều đó đã minh chứng cho giá trị của luật nhân quả. Thầy chẳng có nghi ngờ gì rằng tâm từ bi là tốt và tâm chấp ngã thật nguy hại. Nếu các con tạo nghiệp, quả sẽ đến với các con, và thầy đã thấy điều này trong đời thầy.
   Trong thời kì Cách mạng Văn hoá ở Tây Tạng, thầy là một tu sĩ lúc nào cũng cầm tràng hạt trong tay để tu tập. Nhưng bỗng dưng quân thù tới, và nghiệp đã đưa đẩy thầy tham gia khởi nghĩa. Đây là điều không mong muốn nhưng nó vẫn đến do có cộng nghiệp với những người này. Cuối cùng, thầy đã bị giam trong tù 20 năm. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về quả của ác nghiệp.
   Sau đó thầy đã khởi tâm từ bi. Vì vậy, thầy đã đi khắp nơi, những đất nước cách rất xa Tây Tạng và giảng Pháp. Các đệ tử lắng nghe thầy và cảm thấy kính mộ thầy. Họ đến với thầy và khóc. Những duyên từ bi của các đệ tử thực sự là quả lành đến từ thiện hạnh. Vậy nên thấu hiểu được quy luật nhân quả bất biến, tất cả các con không nên ngừng yêu thương và trìu mến đối với nhau. Nên thường có tâm từ bi bất diệt dành cho nhau.
   Trong thời khoá này, thầy đã giảng về nghiệp quả, vậy nên bây giờ các con nên nghĩ rằng thiện hạnh quý biết bao, chúng thiện lành. Và ác hạnh đều khởi nguồn từ ác tâm – ba ác hạnh về ý tham, sân, si. Mọi tham chấp, sân hận và tà kiến, chúng không ở ngoài ác tâm, mà chính ở trong vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét