Ngày III – Thời khoá 3
Câu hỏi 23: Chúng con có thể thực hành Phowa như thế nào với những người thân yêu của chúng con khi họ sắp mất? Chúng con có thể dạy họ pháp môn Phowa này không?
Rinpoche: Nếu các con có lòng đại bi, thì nhờ năng lực của bi tâm đó, các con có thể kết nối rất mạnh bi tâm của các con và thức của người thân các con đang hấp hối hoặc đã chết. Như thế là có thể giúp được. Các con có thể quán tưởng thân của người hấp hối hoặc người chết như hình tướng mà con quán tưởng mỗi thời khoá thực hành, và các con có thể đưa thức của người chết theo đường mạch giữa. Chỉ có thể làm được với tâm đại bi. Nếu các con biết các kĩ thuật Phowa và làm thế nào có thể thực hành tốt pháp này, đương nhiên các con có thể dạy lại cho những người các con yêu.
Câu hỏi 24: Ý nghĩa của quán tưởng tự thân là Đức Kim Cương Du Già Mẫu trong Pháp tu Phowa là gì?
Rinpoche: Chúng ta bám chấp thân xác của ta rất mạnh, và đó thực sự là một ảo tưởng. Để trừ bỏ bám chấp vào thân, trừ bỏ những cảm xúc uế nhiễm, chúng ta quán tưởng ta là Đức Vajrayogini. Pháp tu Phowa này thuộc về dòng Kagyu. Trong dòng Kagyu, Vajrayogini là một trong những vị Bản tôn chính và ngài nắm giữ đường mạch giữa. Vậy nên chúng ta quán tưởng chúng ta là Vajrayogini.
Câu hỏi 25: Sau này chúng con có cần nhận quán đỉnh Vajrayogini để thực hành không?
Rinpoche: Nếu các con nhận quán đỉnh được thì tốt hơn.
Câu hỏi 26: Chúng con có thể quán tưởng một hình tướng Đức A Di Đà khác được không? Ví dụ như Đức A Di Đà như trong truyền thống Đại thừa ở Trung Quốc.
Rinpoche: Được, các con có thể quán tưởng Đức Phật A Di Đà theo truyền thống của Trung Quốc hay truyền thống nào khác cũng được.
Câu hỏi 27: Quả cầu đỏ ở đường mạch giữa là một với thức chúng ta phải không? Xin ngài hãy giải thích kĩ lưỡng hơn về quả cầu đỏ đại diện cho thức.
Rinpoche: Quả cầu đỏ là căn bản của thức. Khi con dồn hết tâm con vào đó, nó trở thành điểm dừng cho thức, nó trở thành đối tượng để tập trung. Nhưng quả cầu đỏ đó tượng trưng cho thức. Nó rất trong và cũng không thực. Điều này đại diện cho bản thể của tâm – tức là sự hợp nhất của tính sáng và tính không.
Câu hỏi 28: Chúng con có thể thực hành Phowa với những trái chủ của chúng con được không? Nếu có, chúng con có thể làm như thế nào? Chúng con có thể được giải thoát khỏi oan gia trái chủ được không?
Rinpoche: Trong pháp môn Phowa, Bồ đề tâm là thứ cốt yếu. Nếu có Bồ đề tâm, nhờ uy lực của Bồ đề tâm và vận đường mạch giữa, khí, v.v.. duyên nợ có thể bị tiêu trừ không một sát na.
Câu hỏi 29: Ngài Drubwang Rinpoche đã dạy rằng pháp tu trì tụng chú Lục tự có thể khép lại sáu đạo luân hồi và giúp hành giả vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc. Vậy xin ngài nói thêm về liên hệ giữa pháp trì tụng chú Lục tự và pháp Phowa. Làm như thế nào có thể kết hợp cả hai lại? Nếu con chỉ có thời gian thực hành một pháp, con nên tập trung vào pháp nào?
Rinpoche: Chú Lục tự đại minh, mỗi âm đại diện một trong sáu Ba la mật. Và tu sáu Ba la mật là tất cả của Bồ đề tâm. Vậy nên Bồ đề tâm không thể thiếu trong cả hai pháp trì tụng chú Lục tự và pháp Phowa. Đó là liên hệ giữa hai pháp. Nhờ trì tụng chú Lục tự, dần dần cũng có thể (hoặc không) vãng sinh Cực Lạc. Thế nhưng pháp Phowa có kĩ thuật đặc biệt bao gồm các được mạch và năng lượng khí… Đây có thể coi là con đường ngắn hơn. Vậy nên con có thể thực hành cả hai.
Câu hỏi 30: Trong thời Mạt này, chúng con nên học theo các giáo pháp và thực hành Đại thủ ấn hoặc Đại viên mãn hay không hay tập trung vào trì tụng chú Lục tự hoặc Phowa?
Rinpoche: Các con nên thực hành Phowa cùng với Đại thủ ấn hoặc Đại viên mãn. Các con nên hợp nhất chúng thành một.
Câu hỏi 31: Liệu con có thể dạy Phowa cho mẹ già của con không tham dự pháp hội hôm nay được không?
Rinpoche: Được.
Câu hỏi 32: Tưởng tượng rằng một ngày khi mẹ con qua đời, nếu không có vị lama nào bên cạnh khi bà chết, con có thể tụng bài nguyện Phowa để giúp bà vãng sinh Tịnh độ được không?
Rinpoche: Được. Nhờ tâm đại bi con có thể làm được.
Câu hỏi 33: Con bị đau đầu và cảm thấy buồn nôn khi thực hành Phowa. Cảm giác đó sau này sẽ biến mất hay sẽ tiếp tục đến chừng nào con vẫn thực hành Phowa? Xin hãy ban con lời khuyên rằng con nên kiểm soát các triệu chứng này khi con tu trì như thế nào.
Rinpoche: Cảm giác đau đầu và buồn nôn là những dấu hiệu cho thấy đường mạch đang mở, thế nên đây là điềm lành. Trong trường hợp này con nên hô “HIK” nhỏ hơn một chút.
Câu hỏi 34: Nếu không thấu hiểu tính Không, có thể thực hành Phowa để tái sinh Tây phương Cực Lạc được không?
Rinpoche: Có thể tái sinh ở cõi Tây phương Cực Lạc nhờ Bồ đề tâm tương đối. Vậy nên dù không hiểu được tính Không, với Bồ đề tâm tương đối thì vẫn có thể tái sinh.
Câu hỏi 35: Tâm từ bi là liều thuốc cho tâm chấp ngã. Ngã chấp sẽ bị xua tan khi Phật tính hiển lộ. Nếu nói rằng khi Phật tính hiển lộ thì sẽ đạt giác ngộ thì có đúng không? Khi giác ngộ sẽ thành Phật. Khi thành Phật thì có còn Phật tính nữa hay không?
Rinpoche: Các con càng trưởng dưỡng tâm từ bi được bao nhiêu thì Phật tính sẽ càng hiển lộ nhiều bấy nhiêu. Tâm bây giờ như một mảnh băng. Tâm của chúng sinh như một mảnh băng. Khi băng tan, băng thành nước. Như vậy nhờ uy lực của tâm từ bi hay vào lúc ngã chấp biến mất, tâm trở thành Phật.
Câu hỏi 36: Trong pháp Phowa, sau bảy tiếng “HIK”, chúng con có cần cảm thấy được thức chạm ngón chân cái Đức A Di Đà không?
Rinpoche: Có. Các con nên cảm thấy được quả cầu sáng chạm ngón chân cái khổng lồ của Đức A Di Đà sau bảy tiếng “HIK”. Ban đầu chúng ta cần hô bảy lần “HIK”. Sau đó giảm xuống ba và cuối cùng không cần hô tiếng “HIK” nào nữa. Pháp thực hành hô “HIK” cũng giống như bước chuẩn bị một con đường để thức đi. Nó giống như tạo một con đường cho thức đi trên đó.
Câu hỏi 37: Khi thức phóng lên và tới đỉnh đầu, chúng con có nên quán tưởng tự mình ở trong đường mạch giữa như quả cầu đỏ phóng lên tới khiếu trên đỉnh đầu không?
Rinpoche: Không giống như con ở trong đường mạch giữa và phóng lên. Thức phóng lên và nó có năng lượng khí dùng làm tốc độ rất lớn. Nó lấy năng lượng khí và phóng lên trên đường mạch giữa. Con tập trung ở bất cứ điểm nào thì thức vẫn ở đó. Nó không giống con là một con người đang ở trong đường mạch giữa. Khi con nghĩ tới bất kì nơi nào, thức sẽ tới đó ngay. Vậy nên từ đáy tim con, nếu các con phát nguyện vãng sinh Cực Lạc của Đức A Di Đà, thì thức các con tự động tới đó thậm chí cả khi con không muốn điều đó xảy ra.
Câu hỏi 38: Sau thời khoá Phowa này, chúng con cần thực hành mỗi ngày như thế nào để tiếp tục trưởng dưỡng Phowa của chúng con?
Rinpoche: Các con nên thực hành mỗi tuần một lần. Điều chính là các con nên tự chuyển hoá mình khi quán tưởng. Các con có thể dùng bài nguyện ngắn nếu không có thời gian. Bài nguyện ngắn ở trang 34 – cầu nguyện chư đạo sư dòng truyền thừa. Sau đố các con quán tưởng. Hãy làm sao cho các con cảm thấy quen với việc này.
Câu hỏi 39: Làm thế nào để chúng con biết rằng chúng con tu trì tiến bộ?
Rinpoche: Điều này thầy đã giảng trong thời khoá trước rồi. Phương diện vật lí, dấu hiệu biên ngoài là các con cảm thấy ngứa ở huyệt Phạm. Các con thấy mình từ bi hơn, và có ít tạp niệm hơn. Các con cảm thấy đầu mình trở nên rất nặng, hơi buồn nôn. Đó là một vài dấu hiệu cho thấy các con đang tiến bộ.
Câu hỏi 40: Tại sao chú Lục tự có chữ HRĪḤ khác với chữ HRĪḤ trong chú Oṃ Amideva Hrīḥ ở các kí tự chữ Tạng?
Rinpoche: Cả hai câu thì chữ HRĪḤ đều biểu hiện tâm từ bi và HRĪḤ nói rằng chư vị Bản tôn ta đang kết nối thuộc về Liên hoa bộ. Nhưng tại sao nó phát âm khác nhau và viết cũng khác nhau thế thì con nên hỏi thêm ai đó giỏi phát âm. Thầy không giỏi phát âm lắm.
Câu hỏi 41: Con có thể quán tưởng con là Đức Quan Thế Âm thay vì Đức Vajrayogini khi thực hành Phowa được không?
Rinpoche: Được. Thực ra trong dòng Nyingma có pháp tu mà con quán tưởng con là Đức Quan Thế Âm.
Câu hỏi 42: Làm thế nào để đưa được thức vốn rất tinh vi lên tới luân xa đầu? Con quán tưởng hơi khó.
Rinpoche: Khi sợ hãi luân hồi, nếu các con thực sự tin tưởng và xác quyết – tin tưởng Đức Phật A Di Đà và xác quyết nguyện tái sinh Cực Lạc thì có thể đưa thức lên tới luân xa đầu dễ thôi.
Câu hỏi 43: Bồ đề tâm là gì? Chúng con có phải đặt một cái gì đó trong lòng bàn tay khi cúng dường mạn đà la hay không?
Rinpoche: Bồ đề tâm là gì? Câu trả lời chính là nếu các con từ bỏ chấp ngã, nếu các con phát khởi nguyện làm lợi lạc chúng sinh thì dần dần nếu các con vượt qua được chấp hai và thành tựu trí tuệ bản sơ bất nhị, đó là Bồ đề tâm viên mãn. Khi các con cúng mạn đà la, nếu có gì đặt vào tay được thì tốt. Nếu không, các con có thể quán tưởng rằng thủ ấn ở tay con tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ, và con chúng dường trong tưởng tượng.
Câu hỏi 44: Mỗi khi sau thời khoá Phowa, chúng con nên trì tụng bao nhiêu biến chú Vô Lượng Thọ? Có phải chúng con sẽ bị giảm thọ sau khi tu Phowa không?
Rinpoche: Nếu các con thực hành Phowa đúng cách thì các con sẽ sống thọ hơn. Nếu năng lượng khí và thức có thể đi vào trong đường mạch giữa, phiền não thường sẽ giảm và từ bỏ chấp ngã sẽ dễ hơn. Vì vậy, cuộc đời con sẽ kéo dài hơn và tuổi thọ sẽ tăng. Còn đối với thần chú Vô Lượng Thọ, các con có thể trì tụng bao nhiêu biến mà các con làm được. Mười, hai mươi, năm mươi, một trăm hay bất cứ bao nhiêu biến mà các con có thể hoàn thành.
Thời khoá tiếp tục với bài giảng.
Quán tưởng Phowa và giai đoạn viên mãn
Trong pháp tu Phowa, chúng ta quán tưởng thân ta là Đức Vajrayogini vì chúng ta phải quán tưởng đường mạch giữa. Vajrayogini là cửa của đường mạch giữa. Ngài như chủ tể của đường mạch giữa. Thân vật lí mà chúng ta có đây là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nó rất dễ tàn hoại. Nó tàn hoại và cuối cùng sẽ tan rã, vậy nên các con mang thân tướng Vajrayogini. Ngài đại diện cho sự hợp nhất của không và sắc. Thân Vajrayogini là bức hoạ vẽ lại tâm các con. Đó là một thân vi tế không có tứ đại hoà hợp, sáng và không thực như cầu vồng. Thân chúng ta được tạo thành từ các uẩn như sắc, thụ, tưởng… Thân của Đức Vajrayogini thì không giống thế. Khi các con quán tưởng các con trong thân Vajrayogini, các con có thể nghĩ rằng thân mình bên trong rỗng rang. Ngay chính giữa thân có đường mạch giữa. Đường mạch giữa xanh bên ngoài và đỏ bên trong. Giống như đường mạch cầu vồng trong và không thực. Các con có thể xem qua thangka và quán tưởng như vậy.
Trong đường mạch giữa không có cái đốt nào cả, đó là một mẩu. Trong nghi quỹ nói rằng có một đốt nhưng thực ra đốt đó là đoá sen. Giữa đoá sen có một quả cầu sáng. Quả cầu ấm, sáng nhưng các con không thể cầm nó được. Nó được tạo thành từ ánh sáng. Bề rộng của đường mạch giữa tương đương với ngón nhẫn của các con.
Khi các con hô “HIK”, năng lượng khí sẽ đẩy quả cầu lên. Nó lên và lên. Khi quả cầu sáng chạm tới phần trên cùng của cổ họng, các con hô tiếng “HIK” cuối cùng và lúc đó thức phóng thẳng lên tới ngón chân Đức Phật A Di Đà. Vậy nên khi lên đến cổ họng sẽ có năng lượng khí. Sau họng, thức tiếp tục lên tới ngón chân Đức Phật A Di Đà. Năng lượng khí với âm “HIK” đẩy quả cầu sáng lên tới cổ họng. Ở cổ họng, chúng ta đẩy thức lần cuối cùng và nó chạm tới ngón chân Phật, như một tráng sĩ bắn tên.
Vào lúc chết, thức sẽ tan hoà. Khi nó phóng ra khỏi đỉnh đầu, nó tan hoà với tâm và ý Đức Phật A Di Đà, như gặp lửa, như lửa và lửa tan hoà. Nhưng khi thực hành, khi các con đang trong giai đoạn tan rã và viên mãn, các con có thể quán tưởng rằng trên hư không có một Đức Phật A Di Đà khổng lồ, xung quanh ngài là vô lượng chư Phật ba thời. Tất cả các ngài tan thành ánh sáng. Ngay trên đỉnh đầu mình có một Đức Phật A Di Đà rất nhỏ đang ngồi như Đức Phật Di Lặc. Ánh sáng tan vào trong Đức Phật A Di Đà nhỏ đó, ngài lại biến thành ánh sáng và ánh sáng chảy xuống đường mạch giữa của các con qua khiếu ở đỉnh đầu. Ánh sáng chảy xuống tới tận tim nằm trong đường mạch giữa. Sau đó nó biến thành Đức Phật Vô Lượng Thọ, và như thế, các con trì tụng thần chú của Đức Vô Lượng Thọ: “Oṃ amārani jīvantīye svāhā”.
Đầu tiên các con phải thực hành nghi quỹ đủ các bài nguyện và quán tưởng. Nhưng khi con quen hơn, Đức Phật A Di Đà trở thành một phần của tâm các con và các con luôn nhớ đến ngài. Thế thì khi đó thực hành, các con không thể quên Đức Phật A Di Đà. Ngài luôn ở đó. Nếu các con đã có thể quen thuộc với pháp tu này như vậy, ngay cả khi con chết vì tai nạn, tự nhiên chết hay chết bất ngờ, các con sẽ nhớ nghĩ ngay Đức Phật A Di Đà và thức sẽ chuyển di thẳng tới trái tim Đức Phật A Di Đà như tên bắn. Như vậy các con không cần ngồi xuống và thực hành quán tưởng.
Khi các con muốn hộ niệm người chết hoặc hấp hối cũng như vậy, các con có thể quán tưởng người đó là Đức Vajrayogini và trên đỉnh đầu, các con quán tưởng Đức Phật A Di Đà ngồi như Đức Di Lặc. Các con có thể tụng bài nguyện và thực hành tất cả các bước Phowa. Các con có thể quán tưởng rằng thức của người chết phóng thẳng tới tim Đức Phật A Di Đà như tên bắn và tan hoà làm một.
Khi các con quen hơn với pháp tu này, các con không cần hô “HIK”, các con không cần âm này nữa, các con có thể chỉ cần chuyển thức mà không hô “HIK”. Ngay khi các con nghĩ tới việc phóng thức đi trong đường mạch giữa, nó đã sẵn sàng phóng đi rồi. Thậm chí các con có thể cảm nhận được ngay một số cảm giác ở đỉnh đầu mỗi lúc thực hành vậy. Đó là dấu hiệu tiến bộ.
Tín tâm và chí thành
Trong pháp tu Phowa có một điều cần thiết mà nếu không có nó thì Phowa không thể thành tựu. Đó là tín tâm và chí thành nơi Đức Phật A Di Đà, như tín tâm giữa mẹ và đứa con độc nhất. Tín tâm này thực sự là một loại tình cảm với Đức A Di Đà, nhưng vì dành cho Đức A Di Đà nên ta gọi nó là tín tâm và chí thành. Ví dụ, nếu các con có một người bạn ở xa và các con có nhiều tình cảm với anh bạn đó, bạn con sẽ trở nên rất gần gũi trong tâm các con vì các con có tình yêu và cảm xúc.
Cũng như vậy, nếu tâm chí thành của các con với Đức Phật A Di Đà không có chút nghi ngờ nào, nếu nó rất mạnh mẽ và xác quyết, ngay khi các con cảm nhận được cái chết đang đến gần, các con tự nhiên sẽ nhớ nghĩ Đức A Di Đà. Các con sẽ cảm nhận được rằng không có chốn quy y nào khác ngoài Đức Phật A Di Đà. Tâm các con sẽ được giải thoát khỏi mọi quái ngại và tham chấp. Vậy đó là con đường tốt nhất chuyển di thức.
Lời nhắn nhủ cuối cùng của Rinpoche
Trong pháp quán tưởng Phowa, nghi quỹ nói rằng Đức Phật A Di Đà thực ra chính là bản sư của con. Đây là điểm mấu chốt. Trong nghi quỹ có nói “Đức A Di Đà, bản thể của Bản sư”. Bây giờ, giữa bản sư và con là Đức Phật A Di Đà. Nên khởi mối liên hệ giữa tâm chí thành và từ bi. Tâm chí thành của con đối với Đức Phật A Di Đà, và tâm từ bi của Đức Phật A Di Đà. Tâm chí thành cũng là một dạng của từ tâm. Vậy nên từ tâm phát khởi giữa hai bên, hai tâm sẽ tự nhiên tan hoà vào nhau. Mối liên hệ liền phát sinh.
Nếu các con muốn hộ niệm cho người đang hấp hối, quan trọng nhất là các con cần có tâm từ bi. Nếu được vậy, dù người đó ở bất cứ nơi đâu, hộ niệm vẫn có thể giúp đỡ họ nhờ sức từ tâm. Còn nếu không có tâm từ bi, liên kết sẽ bị gián đoạn. Từ tâm là yếu tố mấu chốt. Thầy nhắc đi nhắc lại với các con rằng tâm từ bi rất quan trọng, tâm từ bi rất quan trọng. Đây là nhân. Vì thế nên Bồ đề tâm được gọi là Bồ đề tâm cao quý. Nếu có từ tâm, các con có thể chuyển di thức và được viên mãn mọi ước nguyện hiện đời và lâu dài.
Thời khoá tiếp tục với phần thực hành Phowa.
Hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét