Ngày II – Thời khoá 2 - Buông xả và phúc báo cõi Cực Lạc!
Trong thời khoá vừa rồi, thầy đã nói sơ qua về cách quán tưởng trong pháp tu Phowa. Nhờ pháp môn này, chúng ta có thể đi tới những cõi khác không phải cõi Cực Lạc. Vì sau khi được vãng sinh Cực Lạc, ở đó chúng ta có thần túc để đi tới bất cứ cõi Tịnh độ nào. Cõi Cực Lạc có nhiều phúc báo thù thắng sinh ra từ lời nguyện vãng sinh của chúng ta. Vì đã huân tập nhiều công đức trong các kiếp trước đây, giờ đây chúng ta được khoẻ mạnh và không có riêng nỗi khổ nào trong tâm. Chúng ta có bằng hữu tốt, gia sản và sự an lạc. Nếu chúng ta bám luyến vào những thứ chúng ta có trong cuộc sống, chúng sẽ trở thành chướng ngại cho việc vãng sinh. Vậy nên buông xả tham chấp vào những thứ đó là điều vô cùng quan trọng.
Nếu con quán sát tâm con và đọc bài nguyện vãng sinh Cực Lạc, con có thể thấy được rằng con sẽ có thể vãng sinh hay không. Đa phần các con sẽ thấy rất khó khăn vì có vẻ như trong tâm, chúng ta vẫn luôn bám chấp vào phúc báo hữu lậu. Nếu các con thấy mình quá tham luyến luân hồi thì các con có thể suy nghĩ xem luân hồi có đáng được như vậy không.
Cái chết có thể tới bất cứ khi nào. Tử bất kì, và lí do tử bất kì thì vô khối. Đức Phật đã dạy rằng vào cuối đời, tiền bạc và mọi thứ khác không thể đi cùng với ta. Nhưng nghiệp thì luôn đồng hành, dù cả sau khi chết, như hình với bóng. Vậy khi cái chết xảy đến bất ngờ, chúng ta sẽ phải tuân theo định luật nhân quả. Và nhiều khi vì tam độc quá lớn, chúng ta sẽ đoạ lạc vào ba cõi ác.
Khi giờ chết đã tới, chúng ta chẳng có cách nào chống lại cái chết được. Trong khi đó, pháp Phowa là pháp môn đại uy lực và vô cùng hữu ích khi lìa đời. Trong thân chúng ta có những đường mạch và nhờ những đường mạch này, các luồng năng lượng mới được lưu thông. Nếu thức chúng ta thoát khỏi thân khi ta chết, nếu năng lượng mở các khiếu thoát ở dưới thấp, năng lượng sẽ lưu thông. Nếu năng lượng đưa thức ta thoát ra từ các khiếu thấp khi ta chết, do năng lượng khí mang nghiệp chướng đưa đẩy, thức ta sẽ đầu thai vào ba ác đạo. Nếu tâm chúng ta đầy bám chấp, ưa thích và ghét bỏ thì thức chúng ta sẽ luôn theo đuổi những tham chấp đó mà không thể làm gì hơn. Và sau đó thức sẽ tái sinh trong các ác đạo. Ví dụ, Đức Khenpo Jigme Phuntsog quá cố đã kể nhiều chuyện về những người tham đắm tài sản như vậy trong các tác phẩm của ngài. Bởi quá tham đắm vàng bạc, thức của người đó đã tái sinh trong một loài động vật nào đó ngồi trên đống vàng tuỳ táng.
Con không cần thiết gì mà phải tham đắm tài sản và những thứ khác nữa vì nếu con tái sinh nơi Cực Lạc, thì tiền bạc, sức khoẻ, bằng hữu… đều tự nhiên đầy đủ ở đó. Đó là quả lành của Bồ đề tâm. Chúng ta có thể tái sinh trong một đoá sen, rồi sau đó tất cả những đồ nhu yếu như tài sản… sẽ tự nhiên sinh khởi. Nhưng nếu tâm con tham đắm vào bạn bè, thân quyến, tài sản, bất cứ thứ gì, nếu con chết mà vẫn tham đắm như vậy, không những con không được giải thoát mà tham ái còn nguy hại với cả bạn bè thân quyến của con vậy.
Nếu con tham đắm tài sản và bạn bè trong đời này, con nên nghĩ về những phúc báo tối thượng của cõi Cực Lạc. Nếu con tái sinh Tây phương, ngay khi con sinh ra, con sẽ có thể chứng bậc Hoan Hỉ địa, địa đầu tiên trong Thánh quả Bồ Tát. Nếu con đạt được quả vị này, con sẽ hoàn toàn có thể làm lợi cho gia đình, bạn bè hay bất cứ ai khác. Khi họ chết và ở trong thân trung ấm, con có thể xuất hiện trước mặt họ trong cảnh giới đó và hướng đạo cho họ được tái sinh Cực Lạc, như đón khách ở sân bay. Nhưng bây giờ các con tham đắm bạn bè và người thân, con sẽ không có khả năng thực sự làm lợi lạc cho họ. Nếu tái sinh ở Cực Lạc, các con không những làm lợi lạc cho chính mình mà còn cho nhiều chúng sinh khác nữa.
Ngay khi tái sinh cõi Cực Lạc, từ đó các con có thể du hành tới bất cứ cõi Phật nào, đỉnh lễ chư Phật và nhận giáo huấn từ các ngài. Đây là một phúc báo đặc biệt của cõi Cực Lạc. Như thầy đã nói, các cõi Phật khác thì ta không thể đến được nếu như chưa đạt Bất Động địa. Nhưng trong cõi Tây phương, chúng sinh ở đó có thể tái sinh đơn giản nhờ cầu nguyện. Thầy nói thế không có nghĩa là các con có thể tạo đủ mọi ác nghiệp rồi cứ cầu nguyện là được vãng sinh Tây phương tịnh độ.
Ở Cực Lạc, đạt giác ngộ sớm hay muộn còn phụ thuộc vào thiện hạnh tích luỹ nhiều hay ít trước kia. Nếu con đã tích luỹ nhiều công đức trước khi vãng sinh, con sẽ đạt toàn giác sớm thôi, và sẽ có những hoạt động làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Vậy nên con nên tinh tiến tích tập công đức càng nhiều càng tốt và thanh tịnh ác hạnh, chướng ngại trong chừng mực tối đa con làm được.
Có thể vài đệ tử sẽ tự hỏi rằng: “Liệu Phowa có thể giúp mình tái sinh ở cõi nào đó không phải Cực Lạc được không?” Tái sinh Cự Lạc dễ hơn. Tuy nhiên, các cõi Phật không khác biệt nhau nhiều. Nếu con đặc biệt quen thuộc với một Bản tôn nào đó không phải Đức A Di Đà, khi con quán tưởng Phowa, thay vì Phật A Di Đà con sẽ quán tưởng vị Bản tôn ấy ngự trên đầu. Nếu con chuyển di thần thức như thế, thức của con sẽ được tái sinh trong Phật độ của vị Bản tôn mà con thân tquen. Thức của con và tâm của Bản tôn sẽ tan hoà như những thanh nam châm hút nhau vậy.
Có bốn nhân để tái sinh Cực Lạc mà trong bản văn nhắc tới. Đầu tiên là quán tưởng phúc điền. Phúc điền bao gồm quán tưởng Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc. Các con phải nhớ những phúc báo vô thượng của Đức A Di Đà. Các con có thể nhớ niệm đại trí tuệ của ngài, hay tâm từ bi không điều kiện ngài dành cho chúng sinh. Các con có thể nghĩ về các phúc báo bất khả tư nghị và khả năng gia hộ cho chúng sinh của ngài.
Trong cõi Cực Lạc, Đức Phật A Di Đà hiện diện một cách thần diệu như cầu vồng minh triết và không thực. Thân tướng ngài nguy nguy trải khắp. Các con có thể tưởng tượng rằng Đức Phật A Di Đà có thể thấy bất cứ nguyện gì trong tâm của các con nhờ vào sức đại trí tuệ của ngài. Ngài có tâm đại từ bi vô ngã cho tất cả chúng sinh, như một bà mẹ có tình thương vô bờ bến cho đứa con độc nhất của bà. Đức Phật A Di Đà như kho tàng của lòng từ bi vô ngã dành cho hết thảy chúng sinh. Nơi nào có hư không, nơi đó có chúng sinh; nơi nào có chúng sinh, nơi đó có tâm, phiền não và nghiệp. Bi tâm của Đức A Di Đà đã đến độ toàn vẹn. Vậy nên từ tâm của ngài lớn hơn rất nhiều so với từ tâm của một người mẹ, vì một người mẹ chỉ có từ tâm với con bà chứ không từ bi với tất cả chúng hữu tình. Nhưng Đức Phật A Di Đà ngài từ bi với tất cả chúng sinh.
Khi các con hiểu được điều này, tự nhiên các con sẽ có thể cảm nhận được mối liên hệ gần gũi của các con với Phật A Di Đà. Như trong bản văn có ghi, chúng ta nên nghĩ rằng Đức Phật A Di Đà thực ra chính là bản sư trong thân tướng Đức Phật A Di Đà. Nếu nhận thức được về lòng từ bi và Bồ đề tâm thì hoàn toàn có thể sinh khởi mối liên hệ vô cùng gần gũi này.
Các con nên thường xuyên nỗ lực trụ thiền, luôn luôn cố gắng quán tưởng Đức Phật A Di Đà trên đầu và cố gắng duy trì quán tưởng này như đã được dạy. Thế nên khi thầy đi vào hay đi ra, các con không cần đứng dậy, vì nó sẽ làm thiền định của các con bị rối loạn. Các con có thể tiếp tục ngồi đó và trụ thiền. Các con không phải đứng lên để làm cho chính mình bị nhiễu loạn. Các con có thể quán tưởng rằng có một thân tướng Đức Phật A Di Đà nhỏ như người ta vẽ trong các thangka đang trụ trên đầu tất cả chúng sinh. Nếu thế thì thậm chí khi thở, các con cũng nên cố gắng thiền định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét