23 thg 2, 2015

Thỉnh vấn Garchen Rinpoche về Pháp môn Phowa!

Ngày III – Thời khoá 1
   Có khá nhiều câu hỏi và thầy sẽ cố gắng trả lời càng nhiều càng tốt. Khi các con nghe thầy trả lời, các con có thể thầm tụng Oṃ Amideva Hrīḥ (thần chú của Đức Phật A Di Đà)

   Câu hỏi 1: Để đạt giác ngộ cần lìa chấp với mọi thứ. Đức Phật đã có “nguyện thành tựu Phật quả”. Vậy nguyện này không phải là bám chấp hay sao?
   Rinpoche: Nguyện đạt giác ngộ cũng là một dạng tham, nhưng nó cần thiết với người sơ học. Nhưng khi thành tựu giác ngộ rồi thì điều này sẽ biến mất.
   Câu hỏi 2: Làm sao để chúng ta có thể biết được chúng ta đã thành tựu Phowa?
   Rinpoche: Có vài dấu hiệu. Dấu hiệu bên ngoài là con thấy ngứa và mềm ở đỉnh đầu. Dấu hiệu bên trong là con cảm thấy muốn rời bỏ luân hồi một cách mạnh mẽ. Con sẽ cảm thấy chắc chắn con sẽ được giải thoát khỏi luân hồi. Dấu hiệu bí mật là con càng ngày càng ít xao lãng và phiền não. Đó là kết quả của việc năng lượng khí và thức đi vào đường mạch giữa.
   Câu hỏi 3: Các dấu hiệu này sẽ xuất hiện trong một khoảng thời gian nào đó phải không?
   Rinpoche: Có thể mất khoảng hai tuần hoặc hai tháng, tuỳ thuộc vào từng hành giả.
   Câu hỏi 4: Khi thực hành Phowa con có cần phải tụng tất cả các bài nguyện, đặc biệt là bài nguyện chư đạo sư dòng Phowa hay không?
   Rinpoche: Nếu không có thời gian con có thể tụng bản ngắn bài nguyện chư đạo sư dòng truyền thừa Phowa ở trang 34, đoạn có cả phần phiên âm tiếng Tạng. Sau đó con có thể quán tưởng đơn giản. Quán tưởng rất cần thiết. Con nên tập trung vào quán tưởng. Những phần quan trọng khác trong thực hành là tâm thành kính của con với Đức Phật A Di Đà, và nguyện chân thật được vãng sinh của con. Nếu con cầu nguyện với những niệm này thì thế là đủ rồi.
   Câu hỏi 5: Con thấy rằng thầy không tụng hai dòng cuối ở trang 35 đúng không ạ?
   Rinpoche: Dòng cuối trang 35 là phần bản quyền. Đương nhiên con không phải tụng nó. Ngoài ra thầy nghĩ thầy đã đọc hết rồi.
   Câu hỏi 6: Phát âm chuẩn là thiết yếu phải không?
   Rinpoche: Miễn là con trì tụng với lòng thành kính, với thiện tâm thì con có thể cố gắng hết sức để phát âm chuẩn. Nhưng điều này không quan trọng lắm.
   Câu hỏi 7: Có phải tổ Jigten Sumgon đã tái sinh vào cõi Diệu Hỉ của Đức Phật A Súc Bệ thay vì cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà sau khi ngài tịch diệt hay không? Tổ Jigten Sumgon đã tái sinh cõi Phật nào sau khi ngài tịch diệt?
   Rinpoche: Trong mỗi quốc độ đều có một hoá thân của tổ Jigten Sumgon. Khi ngài viên tịch, các đệ tử đã hỏi ngài: “Sau kiếp sống này thầy sẽ tái sinh về đâu? Về cõi Phật nào? Chúng con nên cầu nguyện đến cõi nào?” Tổ Jigten Sumgon trả lời: “Bản tính thật của tâm con là Đại thủ ấn. Vậy nên ta đi đến nơi nào thì nơi đó là cõi Tịnh độ.”
   Câu hỏi 8: Hôm qua thầy có dạy rằng nếu chúng ta có liên kết mạnh với vị Bản tôn khác thì chúng ta có thể quán tưởng vị đó thay cho Đức Phật A Di Đà. Ví dụ như con có nhiều liên kết với Đức Lục Độ Mẫu. Trong thực hành hằng ngày, liệu con có thể quán tưởng Đức Độ Mẫu thay vì Đức Phật A Di Đà không? Vì nghi quỹ chúng ta dùng ở đây là nghi quỹ thực hành Phowa, mà dòng truyền thừa Phowa bắt nguồn từ Đức Phật A Di Đà. Vậy hằng ngày con nên thực hành như thế nào? Còn nữa, Đức Độ Mẫu ngồi một chân co và một chân duỗi. Con có thể quán tưởng ngài ngồi giống Đức Phật Di Lặc được không?
   Rinpoche: Về bản chất, Đức Độ Mẫu không sai khác với Đức A Di Đà. Nếu con quen thuộc với Đức Độ Mẫu hơn, con có thể quán tưởng ngài ngồi trên đỉnh đầu con giống như Đức Phật Di Lặc và con vẫn dùng nghi quỹ này được. Con có thể quán tưởng Đức Phật A Di Đà, Đức Độ Mẫu và con lần lượt từ trên xuống dưới. Con phải biết rằng hai ngài không khác biệt.
   Câu hỏi 9: Nếu con có thời gian trì tụng thần chú Hồng Quan Thế Âm, con có thể quán tưởng con là Đức Hồng Quan Âm và tụng Lục tự đại minh được không? Khi con trì tụng, con có cần quán tưởng năm tia sáng phóng ra từ chủng tự HRĪḤ màu đỏ chiếu đến sáu cõi để giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau hay không?
   Rinpoche: Được. Con có thể trì tụng Lục tự đại minh thần chú. Con có khả năng giải thoát chúng sinh hay không còn tuỳ thuộc vào con có tâm từ bi hay không. Những tia sáng sẽ luôn ở đó nếu con có tâm từ bi. Mặt khác, chẳng có tia sáng nào phát ra cả. Vậy nên nếu con có tâm từ bi thì điều này sẽ tẩy trừ được ác nghiệp và chướng ngại của con, cũng như con có thể giúp đỡ người khác cũng làm được như vậy.
   Câu hỏi 10: Làm sao con có thể biết được khi nào con có thể bắt đầu sử dụng phương pháp này đối với người đang hấp hối hoặc đã chết – người và động vật?
   Rinpoche: Nếu con có tâm đại bi vô cùng đối với người chết thì tự nhiên con phát khởi được một liên kết mạnh mẽ giữa thức của người chết và bi tâm của con. Vào lúc bi tâm phát khởi, con có thể sử dụng phương pháp này để giúp người chết hoặc người hấp hối.
   Câu hỏi 11: Khi hành giả Phowa bị hôn mê hoặc gặp tai nạn như ô tô đâm hay rơi máy bay, họ có thể thực hành Phowa hay không?
   Rinpoche: Nếu tâm con hoàn toàn thuần thục với pháp tu Phowa, thì nếu như chết do tai nạn, khi đó ngay lập tức các con rơi vào trạng thái thân trung ấm, con có thể nhớ lại kĩ thuật chuyển di thức và tìm ra con đường vì con đã có nhiều liên hệ với Đức Phật A Di Đà và pháp tu Phowa. Đặc biệt trong trạng thái trung ấm, thức có năng lực vô cùng sáng suốt. Vậy nên nếu con đã thực hành rất rất tốt, nó sẽ phóng lên ngay tức thì.
   Câu hỏi 12: Điều chắc chắn để được vãng sinh Cực Lạc trong đời này là gì? Chúng con đã nhận quán đỉnh từ Người và chúng con đã thực hành Phowa. Vậy đã đủ để chúng con được tái sinh Cực Lạc hay chưa?
   Rinpoche: Bồ đề tâm là giới nguyện của pháp tu Phowa. Vậy nên điều đó còn tuỳ thuộc vào một người có Bồ đề tâm hay không. Nếu có, thì tâm chấp ngã sẽ được hạn chế hoặc chữa trị. Khi tâm chấp ngã không còn thì sẽ được tái sinh Cực Lạc.
   Câu hỏi 13: Khi nào chúng ta có thể bắt đầu thực hành Phowa khi cái chết đến gần?
   Rinpoche: Đó là lúc hơi thở ngoài đã ngưng nhưng hơi thở trong vẫn còn. Vào lúc đó nên thực hành Pháp này. Nhưng trong trường hợp này, người ta phải phụ thuộc vào sự hộ niệm của người khác và phải thực hành kĩ thuật chuyển thức rất thuần thục. Phải có một tín tâm không suy suyển vào khái niệm Phowa A Di Đà và các kĩ thuật của nó. Đó là tất cả những yếu tố cần thiết, sau đó sẽ được vãng sinh. Tóm lại, thời gian mà chư đạo sư giảng là: Khi hơi thở ngoài đã ngưng và hơi thở trong vẫn tiếp tục.
   Câu hỏi 14: Nếu người chết không thể ngồi trong tư thế thiền định thì chúng ta có thể đặt ở tư thế như thế nào trong thực hành cuối cùng này? Tư thế nằm có được không?
   Rinpoche: Tư thế tốt là nằm nghiêng về bên phải.
   Câu hỏi 15: Cơ thể có thể giữ nguyên tư thế thiền vào lúc chết trong bao lâu?
(Khenpo: Nếu tôi hiểu đúng câu hỏi, tức là sau khi chết, có một số người nhập định. Người đó có thể trụ trong định bao lâu?)
   Rinpoche: Còn tuỳ thuộc vào thực hành của từng người. Không có một thời lượng định sẵn. Nếu con hoàn thành toàn bộ phần tu tập khi sống, thì con không phải trụ trong trạng thái đó nữa. Ngay khi con chết, con sẽ đạt Pháp thân.
   Câu hỏi 16: Chúng ta sẽ làm gì khi thức thoát ra khỏi huyệt Phạm thiên? Chúng ta sẽ lang thang đây đó phải không?
   Rinpoche: Đầu tiên, con quán tưởng Đức Phật A Di Đà ở trên đỉnh đầu ngồi trong tư thế Đức Phật Di Lặc và ngón chân cái bên phải của ngài bít lại huyệt Phạm thiên. Khi thức phải rời khỏi thân xác, ngón chân đó không còn ở đó nữa, nó mở ra. Khi thức bị tống xuất, nó tan hoà vào tâm Đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà nhỏ tan hoà vào Đức Phật A Di Đà lớn tràn khắp hư không. Vậy thì con chẳng lang thang ở đâu cả, con sẽ thẳng tới Tịnh độ.
   Câu hỏi 17: Sau khoá nhập thất này chúng con sẽ thực hành như thế nào?
   Rinpoche: Nếu có thời gian, các con có thể thực hành theo cách mà chúng ta đang làm. Nếu không có nhiều thời gian, các con có thể tụng đơn giản bài nguyện dòng truyền thừa Phowa ở trang 34 và quán tưởng thật rõ ràng như nghi quỹ đã nói, như là quán tưởng các con là Vajrayogini, v.v. Hãy thực hành và sau đó hồi hướng ngắn vào cuối thời khoá. Các con có thể thực hành như vậy ít nhất một lần mỗi tuần.
   Câu hỏi 18: Rinpoche có thể giải thích về biểu tượng và các đồ trang sức của Vajrayogini trong nghi quỹ Phowa có nói khi chúng con đang ở giai đoạn tự sinh khởi?
   Rinpoche: Đồ trang sức của Đức Vajrayogini biểu hiện phẩm tính nguyên sơ của ngài, phẩm tính của tâm ngài. Ví dụ, ngài có sáu loại trang sức bằng xương tượng trưng cho Lục độ Ba la mật đa. Trên đầu ngài đội mũ có năm chiếc đầu lâu tượng trưng ngũ trí. Ngài cầm tam xoa kích có ba nhánh là biểu tượng của thanh tịnh ba độc. Ba nhánh của tam xoa kích là sự thành tựu tam thân. Tương tự thế, mỗi phần và mọi phần trong hình tướng ngài đều biểu hiện một vài phẩm tính nào đó. Nhưng quan trọng là hình tướng Vajrayogini là phẩm tính của Bồ đề tâm hạnh.
   Câu hỏi 19: Thưa Rinpoche, ngài đã vô cùng từ bi khi ban cho chúng con giáo huấn về Đại ấn vài ngày trước đây. Vậy con muốn thỉnh cầu ngài ban cho chúng con “Chỉ huấn tâm yếu vĩ đại của dòng Dagpo Kagyu”.
   Rinpoche: Bằng chính niệm và tỉnh giác, con có thể thấy những ý nghĩ đang khởi lên trong tâm. Ngay khi chúng khởi lên, chúng sẽ biến mất. Khi con tiếp tục làm vậy, tâm con trở nên hoàn toàn giải thoát khỏi tạp niệm. Nếu các con nhìn trực tiếp chính niệm thoát khỏi tạp niệm này theo cách tâm đang quán sát chính tâm, đó là Đại ấn. Về bản, giữa Đại ấn, Đại viên mãn hay Trung đạo không khác nhau, như một người có ba cái tên.
   Câu hỏi 20: Chúng con cần lập tức làm gì nếu chúng con đang lâm trọng bệnh hay hấp hối? Hay gặp tai nạn bất ngờ?
   Rinpoche: Nếu các con thực hành tốt Phowa, thói quen thực hành sẽ khởi lên. Ví dụ, nếu có người chết vì gặp tai nạn, ngay sau khi chết họ sẽ thấy quen thuộc. Kiểu quen thuộc này sẽ khởi lên và con sẽ ngay tức khắc nhớ về Đức Phật A Di Đà như vừa tỉnh giấc ngủ.
   Câu hỏi 21: Chúng con có thể giúp đỡ cha mẹ chúng con như thế nào nếu họ đang mệt nặng hoặc hấp hối?
   Rinpoche: Để giúp đỡ được người chết thì yếu tố quan trọng nhất là Bồ đề tâm. Nếu các con có Bồ đề tâm, các con có thể quán tưởng người hấp hối đó là Đức Vajrayogini. Các con có thể quán tưởng như thế đối với người hấp hối. Các con có thể quán tưởng đường mạch giữa và quả cầu sáng. Các con có thể dùng phương pháp này để giúp đỡ người đó. Nhưng tất cả còn tuỳ thuộc vào tâm từ bi và tâm Bồ đề của các con.
   Câu hỏi 22: Nếu chúng con thực hành Phowa mà chưa nhận quán đỉnh Vajrayogini thì có được tụng thần chú của ngài khôn?
   Rinpoche: Có thể tụng nhưng nếu con nhận quán đỉnh thì năng lượng sẽ mạnh mẽ hơn. Sức gia trì lớn hơn là không nhận.
   Khenpo: Vẫn còn khá nhiều câu hỏi. Ngài sẽ cố gắng trả lời sau.
   Thời khoá tiếp tục với các giáo huấn Phowa.
   Thực hành Phowa
   Trong thời khoá này, tất cả mọi người phải hô HIK. Bình thường, chúng ta hô HIK ba đến bảy lần. Khi các con ngồi xuống và quán tưởng, các con không nên nghĩ về người đang ngồi xuống bên cạnh hay đằng sau mình. Tâm các con không nên nghĩ tới chính mình nữa. Tâm các con nên tập trung vào cơ sở của thức, tức là quả cầu sáng.
   Âm HIK đẩy thức lên cao. Giống như năng lượng khí đẩy thức lên đỉnh đầu. Thức như một mũi tên và năng lượng khí như chiếc cung tên. Vậy nên khi con kéo cung và phóng tên, mũi tên sẽ bắn đi. Như vậy khi con hô HIK, năng lượng khí sẽ đẩy thức, là quả cầu ánh sáng, lên và nó cứ đi lên thế và rồi chạm đỉnh đầu. Sau đó khi con hô GAR, thức trở về đài sen. Các con có thể chọn hô ba hay bảy lần HIK. Nhưng lần đầu nên hô nhỏ, lần sau to hơn, lần cuối cùng rất to.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét