Một thời, Thế tôn nghỉ tại tinh xá Nigrotha thành Ca tì la vệ. Dân chúng ở đây vừa dựng một giảng đường cho các sa môn, bà la môn sử dụng. Khi khánh thành, họ cung thỉnh Phật và chúng tỳ kheo đến ngôi giảng đường ấy trước tiên, để cầu phước.
Ðức Phật im lặng nhận lời. Dân chúng trở về xếp đặt chỗ ngồi cho Phật và chư tăng trong giảng đường, đặt ghè nước rửa chân, treo đèn dầu thắp sẵn, (buổi lạc thành có lẽ đã về chiều). Rồi họ đến thỉnh Phật và chư tăng. Ðức Thế tôn đắp y, mang y bát cùng chúng tỳ kheo đi đến giảng đường. Ngài rửa chân, ngồi vào chỗ dành sẵn. Chúng tỳ kheo cũng rửa chân rồi vào ngồi quanh, đối diện với đức Phật trong giảng đường. Sau khi chúng tỳ kheo và các vị trong dòng họ Sakya đã an tọa, Thế tôn thuyết pháp đến quá nửa đêm, khích lệ, làm cho hoan hỉ phấn khởi các vị Sakya ở Ca tì la vệ. Rồi ngài bảo tôn giả A nan:
- Thầy A nan, thầy hãy giảng Hữu học đạo cho các vị Sakya. Tôi bị đau lưng. Tôi muốn nằm nghỉ.
Rồi đức Thế tôn trải chiếc đại y ra gấp làm bốn mà nằm xuống hông bên phải, chánh niệm tỉnh giác. Khi ấy tôn giả A nan giảng cho các vị Sakya về sự tu tập của một vị thánh đệ tử, gồm sáu việc như sau:
- Một là thành tựu giới hạnh, sống đúng theo giới bản tỳ kheo, đầy đủ uy nghi, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ.
- Hai là hộ trì các giác quan, nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng...không nắm giữ tướng chung (như toàn thể một con người), không nắm giữ tướng riêng (như đôi mắt, tướng đi của người nào). Những nguyên nhân gì khiến tham ái ưu bi khởi lên, vị tỳ kheo chế ngự nguyên nhân ấy, giữ gìn giác quan và tâm ý.
- Thứ ba là tiệt độ trong sự ăn uống. Vị tỳ kheo nhận và dùng thực phẩm với sự quán sát rằng ta ăn không phải để vui đùa, không để đam mê, không để trang sức, mà chỉ để thân này khỏi khổ vì đói, để giữ gìn phạm hạnh. Vị ấy ăn để trừ cảm thọ cũ là cơn đói, mà không làm phát sinh cảm thọ mới như tham vị ngon.
- Thứ tư là chú tâm cảnh giác các pháp bất thiện có thể khởi lên trong từng uy nghi đi đứng nằm ngồi, vào mọi lúc.
- Thứ năm là thành tựu bảy diệu pháp: Tín (tin tưởng vào khả năng tự giác), Tàm (tự thẹn, không làm bấy khi ở một mình), Quý (thẹn với người khác, không làm bậy khi ở chung), Ða văn (nghe, học nhiều về Pháp), Tinh tiến (siêng năng về việc lành), Niệm (nhớ nghĩ chân chánh), Tuệ (sáng suốt) và Trạch pháp (biết chọn lọc các pháp để tu tập).
- Thứ sáu là có khả năng chứng và an trú bốn thiền một cách dễ dàng.
Khi một vị thánh đệ tử thành tựu được sáu việc kể trên, vị ấy được gọi là đang đi trên đạo lộ bậc Hữu học, có trứng không bị hư hoại, có khả năng giác ngộ. Ví như một con gà mái có trứng khéo ấp, khéo ủ, thì dù nó không cầu mong, gà con vẫn nở ra. Vị tỳ kheo cũng thế, nếu hoàn tất được sáu việc trên thì sẽ thành tựu ba sự sáng suốt, giống như gà con ba lần phá vỡ vỏ trứng để chui ra:
- Vị ấy chứng túc mạng minh, nhớ được các đời trước, đó là sự phá vỡ đầu tiên.
- Vị ấy chứng thiên nhãn minh, thấy rõ hành nghiệp chúng sinh người đẹp kẻ xấu người sang kẻ hèn đều do nguyên nhân chúng tự tạo ra từ đời trước. Ðấy là sự phá vỡ thứ hai.
- Vị ấy đoạn tận lậu hoặc (phiền não mê lầm), chứng vô lậu Tâm giải thoát (giải thoát nhờ thiền định), Tuệ giải thoát (nhờ trí tuệ). Ðó là sự phá vỡ cuối cùng, để con gà con bước ra ngoài ánh sáng.
Sáu pháp hữu học thuộc về HẠNH đức, ba minh thuộc về TRÍ đức, thành tựu được như vậy, vị thánh đệ tự được gọi là bậc MINH HẠNH TÚC.
Khi tôn giả A nan giảng xong, đức Thế tôn ngồi dậy, khen ngợi tôn giả, và bảo các vị Sakya rằng: "Những lời thầy A nan nói không khác gì lời đức Như lai, các ngươi hãy ghi nhận như vậy."
Trên đây là kinh thuật theo kinh Hữu học về một buổi lạc thành nhà mới vào thời Phật. Ngày nay, thiết nghĩ Phật tử chúng ta rất nên làm sống lại truyền thống tốt đẹp này. Mỗi khi cúng tân gia hay bất cứ lễ lạc gì, thay vì bày biến ăn uống linh đình tốn kém, hãy thỉnh một vị giảng sư về giảng Pháp cho toàn gia nghe. Như vậy cũng tốt như trai đàn chẩn tế, mà lại ít tốn và ít ồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét